Sản xuất lúa theo mô hình "cánh đồng lớn" ở Đạ Tẻh
Từ năm 2012, huyện Đạ Tẻh bắt đầu triển khai việc sản xuất lúa theo mô hình “cánh đồng lớn” (lâu nay thường gọi là “cánh đồng mẫu lớn”). Năm đầu tiên, huyện triển khai thí điểm mô hình này chỉ với diện tích canh tác 30ha. Đến năm 2014, diện tích canh tác lúa theo mô hình “cánh đồng lớn” đã lên đến 658ha.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt, đập liên hợp
Theo ông Lê Mậu Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh: “Sở dĩ UBND huyện đã có chủ trương sản xuất lúa theo mô hình “cánh đồng lớn”, là xuất phát từ mục đích để liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà kinh doanh), nhằm ứng dụng, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo quy trình khép kín (từ khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm); từng bước tập hợp và giúp nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm; nâng cao dần trình độ và hiệu quả canh tác để tiến tới xây dựng vùng lúa, gạo hàng hóa bền vững theo hướng VietGAP”.
Để thực hiện được mô hình nói trên, đòi hỏi cánh đồng canh tác phải phù hợp với thực tế của từng địa phương, từng vùng; diện tích sản xuất phải được khoanh vùng tập trung; thời gian xuống giống phải theo đúng thời vụ của từng vụ sản xuất (đông xuân, hè thu sớm và vụ mùa); sử dụng cùng một loại giống (cho từng cánh đồng); sản xuất đúng và cùng quy trình; bón phân cân đối; quản lý dịch hại tổng hợp theo IPM; điều tiết hợp lý nước tưới (ngập, khô xen kẽ); thu hoạch lúa bằng máy gặt, đập liên hợp; tổ chức sản xuất theo tổ sản xuất tập trung; tất cả diện tích sản xuất lúa được hợp đồng ứng trước vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đối với những diện tích canh tác vụ đầu tiên, nông dân được Nhà nước hỗ trợ 60% chi phí lúa giống.
Từ việc triển khai mô hình “cánh đồng lớn” thí điểm tại 1 xã (năm 2012), năm 2013 tăng lên 3 xã và đến năm 2014, tất cả 10 xã và thị trấn tại huyện Đạ Tẻh đều triển khai mô hình này. Riêng trong vụ hè thu 2014, gần 40 tấn lúa giống được gieo cấy tại những cánh đồng lớn (diện tích mở rộng) ở các xã, thị trấn là các giống OM 5451, OM 6162, OM 4900 và OM 7347. Trong vụ này, bà con nông dân được hỗ trợ 60% chi phí lúa giống (hơn 360 triệu đồng). Nhờ tổ chức sản xuất theo yêu cầu của cánh đồng lớn, kết quả đem lại khả quan. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, năng suất lúa bình quân tại các cánh đồng lớn đạt từ 50 đến 60 tạ/1ha, tăng từ 10 đến 15% so với năng suất lúa bình quân chung của toàn huyện.
Trong vụ hè thu năm ngoái, diện tích canh tác cánh đồng lớn chỉ 35ha, năm nay, thị trấn Đạ Tẻh triển khai mở rộng thêm 101ha tại các cánh đồng của các thôn: 3B, 4C, 7, 8, 10 và chỉ gieo cấy bằng giống lúa OM 7347. Qua khảo sát và đánh giá của Trung tâm Nông nghiệp huyện cho thấy: UBND thị trấn đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Nông nghiệp để chọn vùng, họp dân để vận động và phổ biến cách làm. Tổ Khuyến nông thị trấn phối hợp với các trưởng thôn và cán bộ Trung tâm Nông nghiệp thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện sâu bệnh và hướng dẫn nông dân phòng trừ cũng như biện pháp phục hồi sinh trưởng lúa sau khi dập tắt sâu bệnh. Tuy nhiên, do gieo cấy muộn hơn các xã khác, nên 96ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn. Nhờ biện pháp chống dịch bệnh và phục hồi sinh trưởng sau khi chống dịch bệnh kịp thời, lúa vẫn đạt được năng suất 6 tấn/1ha.
Tại xã An Nhơn, trong vụ hè thu năm 2014, diện tích canh tác cánh đồng lớn được mở rộng thêm 60ha ở các thôn: 2, 7, 8. Giống lúa được chọn để gieo cấy là giống OM 5451. Mặt khác, xã An Nhơn cũng đã duy trì cánh đồng lớn vụ thứ 2 là 200ha tại khu vực Đạ Hàm, Bằng Lăng, Cây Gòn và sử dụng giống lúa nếp quýt, nếp lai. Theo khảo sát và đánh giá của Trung tâm Nông nghiệp huyện, xã An Nhơn áp dụng quy trình sản xuất đạt theo yêu cầu và năng suất lúa bình quân đạt 5,5 tấn/1ha…
Qua việc triển khai sản xuất vụ lúa hè thu năm 2014 theo mô hình “cánh đồng lớn”, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh đã khảo sát, đánh giá được hiệu quả kinh tế; hiệu quả quy trình kỹ thuật và vật tư đầu tư cũng như đánh giá quá trình tổ chức; từ đó, kiến nghị với UBND huyện và phối hợp với các ngành, các xã, thị trấn tiếp tục tổ chức mở rộng diện tích cánh đồng lớn canh tác lúa theo kế hoạch của UBND huyện đã đề ra trong những năm tiếp theo. Một “tín hiệu” đáng mừng là qua tính toán, đánh giá hiệu quả kinh tế vụ lúa hè thu năm 2014 (diện tích sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”) tại huyện Đạ Tẻh đã cho thấy: Giống lúa OM 7347 sử dụng tại thị trấn Đạ Tẻh và giống lúa OM 6162 sử dụng tại xã Mỹ Đức đạt lợi nhuận gần 26 triệu đồng/1ha/1vụ. Giống lúa OM 4900 sử dụng tại xã Triệu Hải đạt lợi nhuận trên 19 triệu đồng/1ha/1vụ và giống lúa OM 5451 sử dụng tại các xã An Nhơn, Quảng Trị và Hương Lâm đạt lợi nhuận gần 17 triệu đồng/1ha/1vụ.